Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Người thành công và kẻ thất bại

Người thành công luôn có cách giải quyết vấn đề, kẻ thất bại luôn gặp rắc rối khi giải quyết. Người thành công luôn có sẵn chương trình, kẻ thất bại luôn có sẵn lời bào chữa.
Người thành công nói: "Để tôi thực hiện việc đó cho bạn", kẻ thất bại bảo "Đó không phải là việc của tôi". Người thành công nhìn thấy cách giải quyết cho mỗi trở ngại, kẻ thất bại nhìn thấy trở ngại trong mỗi lời giải. 

Người thành công nói: "Việc đó khó nhưng tôi có thể làm được", kẻ thất bại bảo: "Tôi có thể làm được việc đó nhưng khó". Khi người thành công phạm sai lầm, anh ta nhận: "Tôi đã sai", còn khi kẻ thất bại phạm sai lầm, anh ta phân bua: "Đó không phải lỗi của tôi". 

Người thành công thực hiện những lời cam kết, kẻ thất bại thực hiện bằng những lời hứa hẹn. Người thành công có những ước mơ, kẻ thất bại có những âm mưu. Người thành công nói: "Tôi phải làm được điều đó", kẻ thất bại nói: "Điều đó phải được làm". 

Người thành công là một bộ phận của tập thể, kẻ thất bại nằm ngoài tập thể. Người thành công nhìn thấy lợi ích, kẻ thất bại nhìn thấy đau khổ. Người thành công nhìn thấy những khả năng, kẻ thất bại nhìn thấy trở ngại. Người thành công tin rằng tất cả mọi người sẽ chiến thắng, kẻ thất bại tin rằng họ chiến thắng những người thua cuộc. 

Người thành công như một cái máy điều nhiệt, kẻ thất bại như cái nhiệt kế. Người thành công thích những điều mình nói, người thất bại nói những điều họ thích. Người thành công sử dụng những lý lẽ cứng rắn bằng những ngôn từ mềm mại, kẻ thất bại sử dụng những lý lẽ mềm mại bằng ngôn từ cứng rắn. 

Người thành công kiên định với những giá trị cao đẹp nhưng bỏ qua những điều nhỏ nhặt, kẻ thất bại cứng rắn với những điều nhỏ nhặt nhưng bỏ qua những giá trị cao đẹp. Người thành công sống theo triết lý của sự cảm thông: "Đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình", kẻ thất bại sống bằng lý lẽ: "Hãy làm điều đó trước khi nó làm cho mình". 

Và khi yêu, người thành công yêu theo triết lý: "Sống để yêu", kẻ thất bại yêu theo triết lý: "Yêu để sống".

sưu tầm

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

“Mỗi ngày một điều hay”

"Một chữ nên thầy một ngày nên nghĩa
Ơn bằng cái đĩa nghĩa bằng con ruồi
Chăm chăm chỉ biết véo người
Hễ ai véo lại rụng rời tay chân"
4.jpeg

Tìm lại hạnh phúc

(Dân trí) - Cơn mưa bất chợt làm hỏng kế hoạch chiều nay. Hoàng và Lan từng có một mối tình đẹp với biết bao khoảnh khắc kì diệu. Vậy mà sau 4 năm chung sống, Hoàng quyết định ly hôn.
 

Trên chiếc xe ô tô màu bạc đã cũ, Hoàng chở Lan thong thả dưới làn mưa phùn ướt át. Đôi mắt long lanh nhòa lệ trôi đi lớp phấn cố che giấu nét quầng thâm vì lo lắng từ khuôn mặt Lan:

- Em nghĩ chúng mình nên nói chuyện thêm một lần nữa. Em... em...

Thay câu trả lời, Hoàng tạt xe vào quán cafe ngay cạnh. Bài nhạc du dương, ánh đèn dịu mát, mỗi chiếc bàn nhỏ được trang trí thật xinh xắn và đặt lên trên đó bình hoa với bông hồng duy nhất. Họ tìm vào một chiếc bàn trống còn sót lại giữa những đôi tình nhân đương thầm thì khe khẽ.

Trong khi Lan vào nhà vệ sinh để vuốt lại chút mascara, phủ lại chút phấn cho đôi mắt, Hoàng lặng ngắm từng cặp tình nhân bên cạnh. Nhìn họ thật hạnh phúc, tay trong tay trao nhau ánh mắt dịu dàng.

Bản nhạc êm ái khiến tâm hồn Hoàng dịu hẳn. Hoàng nhớ lại quãng thời gian yêu Lan. Họ đã có biết bao lần đẫm mình dưới mưa thủ thỉ cho nhau nghe bao buồn vui lo lắng. Cũng biết bao lần giận dỗi, Lan bỏ mặc Hoàng ngồi cả đêm dưới cổng kí túc xá. Lần hò hẹn đầu, cái hôn e lệ Lan trao cho Hoàng vào đêm 14/2 đã xa từ 6 năm trước. Một thủa ngây ngô của kẻ đang yêu và được yêu nồng thắm.

Hoàng thấy nhớ tha thiết mùi hương bưởi dịu ngọt trên mái tóc Lan, nhớ cả tiếng nức nở  mỗi lẫn Lan khóc. Nghe buồn cười ghê lắm.

Hoàng cũng nhớ lại những xích mích xảy ra khi họ chuyển đến Hà Nội. Cuộc sống yên bình và hạnh phúc với biết bao người thân thiết bỗng trở nên nặng nề và vô vị. Lan buộc phải nghỉ dạy trẻ để ở nhà nội trợ vì không tìm được chỗ thích hợp. Lan nhớ họ hàng, bè bạn, học trò. Còn Hoàng càng vất vả làm việc để chi trả cho một cuộc sống tốn kém nơi thành phố dù mức lương đã gấp đến 4, 5 lần ở quê. Hoàng đi sớm về khuya, nhậu nhẹt rồi sinh ra cáu bẳn, chửi bới vợ. Nhiều lần, Hoàng bỏ nhà đi cả tuần mới về. Họ cãi vã thường xuyên và cuối cùng đi đến quyết định giải thoát khỏi nhau. Họ nghĩ rằng tình yêu đã hết.

Tiếng khóc nấc của một ông lão chừng 80 làm Hoàng sực tỉnh. Ông cụ có vẻ đơn côi quá, lặng lẽ và khổ đau quá! Hoàng lại gần khẽ hỏi:

- Cụ có chuyện gì à?

Ông cụ ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn Hoàng đáp:

- Bà nhà tôi rất thích nghe bài hát này.

- Vậy tại sao ông không mời bà đến đây vào buổi chiều rảnh rỗi và nên thơ như thế này ạ? Bà hẳn sẽ rất hạnh phúc.

- Không được cháu à. Bà ấy đã mất 2 tuần trước. Nếu bà ấy còn sống thêm 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ kỉ niệm 50 năm ngày cười tại đây. Tôi chỉ ước ở cõi bên kia, bà ấy sẽ nghe được bài hát này.

Hoàng tự hỏi tại sao sau gần 50 năm trời họ vẫn có thể vẫn yêu nhau đến vậy? Nếu Lan ra đi cuộc đời của anh có còn ý nghĩa? Sự thực là Hoàng vẫn chưa hình dung cuộc sống thiếu Lan sắp tới. Hoàng thấy thật vô nghĩa nếu mỗi sáng thức dậy không còn được nghe những lời nói dịu dàng, ăn những món ngon và uống ly cafe tuyệt hảo. Hoàng cũng thấy thật chán nản nếu mỗi chiều đi làm về không thấy bóng dáng quen thuộc, nụ cười trìu mến của Lan.

Hoàng đang đăm chiêu thì Lan đã ngồi ngay ngắn trước mặt với nụ cười tươi tắn. Mái tóc mềm xõa ngang vai, đôi mắt to và kiên nhẫn đến lạ lùng khiến Lan thật đẹp:

- Mình uống gì hả anh?

Hoàng xích ghế lại gần vợ, ngắt lấy bông hoa cài lên mái tóc mượt mà:

- Chúng mình làm lại từ đầu em nhé. Anh xin lỗi vì tất cả.

Lan tựa vai chồng khóc nức nở vì tìm lại được hạnh phúc tưởng đã vụt bay. Ngoài trời, mưa càng xối xả...

Kim Oanh

“Mỗi ngày một điều hay”

"Sự đời phải nghĩ mà răn
Phải nuốt lời bạn phải ăn lời thầy
Dốt kia thì phải cậy thầy
Vụng kia cậy bạn thì mày mới nên
"

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

10 nguyên tắc cuộc đời


1. Bạn được cuộc đời trao tặng một cơ thể
Dù bạn yêu hay ghét cơ thể mình, nó vẫn sẽ là của bạn đến suốt cuộc đời.

2. Bạn sẽ được trao tặng những bài học quý giá
Phần lớn thời gian bạn sẽ theo học ở một ngôi trường không có nhiều quy tắc gọi là Cuộc Đời. Mỗi ngày ở trường học ấy, bạn sẽ được học những bài học khác nhau. Có thể bạn thích chúng, hay sẽ xem chúng là những bài học vô bổ và buồn tẻ.

3. Không hề có lỗi lầm, tất cả là những bài học
Trưởng thành là kết quả của quá trình trải nghiệm những thử thách và sai lầm. "Thất bại" sẽ là một phần quan trọng trong quá trình đó quyết định sự trưởng thành của bạn.

4. Nếu bạn chưa nhận ra, bài học sẽ lặp lại
Một bài học sẽ đến với bạn dưới nhiều cách thức tiếp cận khác nhau đến khi bạn thấu hiểu được. Khi ấy, bạn sẽ tiếp tục chuyển sang bài học tiếp theo.

5. Không có giới hạn của sự học hỏi
Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nếu bạn còn hiện hữu trên cuộc đời này, bạn cần phải học hỏi liên tục.

6. Hãy bằng lòng với những điều bạn đang có
Khi những điều bạn mong muốn đã trở thành sự thật, bạn sẽ tiếp tục mong muốn một điều khác mà đối với bạn, nó hấp dẫn hơn cả thứ bạn đang có.

7. Những người xung quanh chỉ là tấm gương phản chiếu chính bạn
Bạn không thể yêu hay ghét điều gì đó ở một người khác trừ khi điều đó phản ánh điều mà bạn yêu, ghét ở chính bản thân mình.

8. Bạn là người quyết định cuộc sống của mình
Bạn có sẵn mọi công cụ cũng như mọi nguồn lực mà bạn cần. Bạn có đủ quyền năng để quyết định cách sử dụng chúng. Quyền lựa chọn là ở chính bạn.

9. Câu trả lời về cuộc đời luôn nằm trong chính bản thân bạn
Tất cả những điều bạn cần làm là ngắm nhìn, lắng nghe và tin tưởng.

10. Ngay từ khi mới sinh ra, bạn sẽ quên tất cả những điều cần phải nhớ
Nếu bạn muốn, bạn vẫn có thể nhớ bằng cách lắng nghe sự hiểu biết từ bên trong.

- Chérie Carter-Scott

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Hiệu quả hơn để thành công hơn

Brian Tracy, bậc thầy về nghệ thuật quản lý thời gian, nói rằng “chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi việc mình muốn, nhưng chúng ta luôn có đủ thời gian để làm những việc quan trọng nhất! Khả năng tập trung vào những việc quan trọng nhất, và hoàn thành những việc đó với kết quả tốt nhất chính là chìa khóa đem lại thành công.”

Vậy làm thế nào để có thể tập trung vào những việc quan trọng nhất? Và làm thế nào để chúng ta trở nên hiệu quả hơn?

Hãy áp dụng nguyên tắc 80/20 mà Brian Tracy đã chia sẻ trong “Eat That Frog”.

Nguyên tắc 80/20 trong quản lý thời gian
80% kết quả của bạn sẽ đến từ 20% công việc bạn làm. Có nghĩa nếu bạn có danh sách 10 việc cần làm, chỉ 2 việc trong số đó đem lại cho bạn nhiều giá trị hơn toàn bộ 8 việc còn lại. Brian Tracy so sánh 20% công việc đem lại giá trị cao nhất là những ‘con ếch’ xấu xí nhất, khủng khiếp nhất. Khi nhìn nó, bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm và không hề muốn ‘thưởng thức’. Thực tế là những công việc mà chúng ta thường né tránh vì phức tạp hay khó khăn chính là những việc quan trọng và giá trị nhất.

Từ bây giờ, hãy tìm và ‘ăn’ những ‘con ếch’ xấu xí nhất nếu bạn muốn thành công.

20% ‘con ếch’ xấu xí nhất
Trước hết, bạn cần xác định mục tiêu của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu của hôm nay, tuần này, tháng này, năm này là gì?

“Trong hôm nay, tôi phải hoàn thành báo cáo doanh thu theo sản phẩm của tháng 10”.
“Mục tiêu của tôi là tăng thêm 5 khách hàng mới trong tháng này”.

Khi đã xác định rõ mục tiêu, bạn lập ra danh sách những việc mình cần làm trong ngày, tuần, tháng và năm. Trong danh sách này, hãy phân tích, chọn ra những việc giúp bạn đạt được mục tiêu và đánh thứ tự ưu tiên. Nhờ những thứ tự ưu tiên này, bạn sẽ biết đâu là 20% ‘con ếch’ xấu nhất cần phải ‘ăn’. Bạn cần phải rà soát danh sách những-việc-cần-làm thường xuyên để nhắc nhở mình những việc quan trọng và tập trung thực hiện cho đến khi hoàn thành. Bạn cần kiên nhẫn vì những việc quan trọng nhất, đem lại giá trị cao nhất là những việc khó khăn nhất.

Nếu bạn đang cần gọi điện cho 5 khách hàng quan trọng, đừng kiểm tra email; vì khi kiểm tra email, bạn dễ dàng bị lôi cuốn từ email này qua email khác, và sau khoảng 1 tiếng đồng hồ “la cà”, bạn quên mất mình cần gọi điện thoại cho 5 khách hàng đã định. Vậy kết quả là hoặc bạn sẽ gọi cho 3 người thay vì 5 người; hoặc bạn vẫn gọi cho 5 người nhưng sẽ phải bỏ qua một công việc quan trọng khác.

Nhìn trước kết quả
Đa số chúng ta có thói quen bắt tay vào công việc mà không cân nhắc kỹ lưỡng. Việc gì đến trước làm trước. Việc dễ làm trước, việc khó làm sau. Đơn giản vì việc dễ thì dễ làm. Hơn nữa, với suy nghĩ, việc gì cũng cần phải làm, chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy “bận rộn nhưng không hiệu quả”.

Nếu bạn là nhân viên kinh doanh, việc gọi điện cho khách hàng A đang than phiền và cần hỗ trợ quan trọng hơn hay việc thảo một email chúc mừng sinh nhật khách hàng B? Dĩ nhiên viết email chúc mừng sinh nhật dễ hơn nhiều. Nhưng trong thời điểm này, nếu vấn đề của khách hàng A không được giải quyết, bạn có nguy cơ mất luôn khách hàng này, và hình ảnh “thiếu chuyên nghiệp” của bạn và công ty bạn trong mắt họ có khả năng lan tỏa đến hơn 40 khách hàng khác trong network của họ. Hãy cân nhắc thật cẩn thận.

Khi cân nhắc cẩn thận kết quả/ hậu quả khi làm hay không làm một công việc nào đó, bạn sẽ biết công việc nào sẽ đem lại 80% giá trị cho mục tiêu mình đặt ra. Nhờ nhìn thấy được kết quả, bạn cũng sẽ biết những việc mình không cần làm.

Khi tôi áp dụng nguyên tắc 80/20, lịch làm việc được sắp xếp khoa học hơn, rõ ràng hơn và hiệu quả hơn. Và tôi thấy mình ‘có thêm nhiều thời gian hơn’ để có thể ‘ăn’ nhiều ‘con ếch’ xấu xí hơn, từ đó có thể hoàn thành những việc đem lại nhiều giá trị hơn. Khi bạn tạo ra nhiều giá trị, giá trị của chính bạn sẽ tăng lên.

Luôn đặt ra cho mình câu hỏi “Việc quan trọng nhất mình cần phải làm lúc này là gì?” Tập trung vào việc đó cho đến khi hoàn thành. Cân nhắc để thực hiện những việc đem lại nhiều giá trị và biết từ chối những công việc không mang lại giá trị. Nếu thực hiện thường xuyên, bạn sẽ thấy những thay đổi tích cực.

“Con ếch” xấu xí nhất của bạn là gì? Bạn đã “ăn” nó như thế nào?

Hà Huệ Chi
Director of Marketing & Operations
VietnamWorks