Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

10 nguyên tắc cuộc đời


1. Bạn được cuộc đời trao tặng một cơ thể
Dù bạn yêu hay ghét cơ thể mình, nó vẫn sẽ là của bạn đến suốt cuộc đời.

2. Bạn sẽ được trao tặng những bài học quý giá
Phần lớn thời gian bạn sẽ theo học ở một ngôi trường không có nhiều quy tắc gọi là Cuộc Đời. Mỗi ngày ở trường học ấy, bạn sẽ được học những bài học khác nhau. Có thể bạn thích chúng, hay sẽ xem chúng là những bài học vô bổ và buồn tẻ.

3. Không hề có lỗi lầm, tất cả là những bài học
Trưởng thành là kết quả của quá trình trải nghiệm những thử thách và sai lầm. "Thất bại" sẽ là một phần quan trọng trong quá trình đó quyết định sự trưởng thành của bạn.

4. Nếu bạn chưa nhận ra, bài học sẽ lặp lại
Một bài học sẽ đến với bạn dưới nhiều cách thức tiếp cận khác nhau đến khi bạn thấu hiểu được. Khi ấy, bạn sẽ tiếp tục chuyển sang bài học tiếp theo.

5. Không có giới hạn của sự học hỏi
Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nếu bạn còn hiện hữu trên cuộc đời này, bạn cần phải học hỏi liên tục.

6. Hãy bằng lòng với những điều bạn đang có
Khi những điều bạn mong muốn đã trở thành sự thật, bạn sẽ tiếp tục mong muốn một điều khác mà đối với bạn, nó hấp dẫn hơn cả thứ bạn đang có.

7. Những người xung quanh chỉ là tấm gương phản chiếu chính bạn
Bạn không thể yêu hay ghét điều gì đó ở một người khác trừ khi điều đó phản ánh điều mà bạn yêu, ghét ở chính bản thân mình.

8. Bạn là người quyết định cuộc sống của mình
Bạn có sẵn mọi công cụ cũng như mọi nguồn lực mà bạn cần. Bạn có đủ quyền năng để quyết định cách sử dụng chúng. Quyền lựa chọn là ở chính bạn.

9. Câu trả lời về cuộc đời luôn nằm trong chính bản thân bạn
Tất cả những điều bạn cần làm là ngắm nhìn, lắng nghe và tin tưởng.

10. Ngay từ khi mới sinh ra, bạn sẽ quên tất cả những điều cần phải nhớ
Nếu bạn muốn, bạn vẫn có thể nhớ bằng cách lắng nghe sự hiểu biết từ bên trong.

- Chérie Carter-Scott

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Hiệu quả hơn để thành công hơn

Brian Tracy, bậc thầy về nghệ thuật quản lý thời gian, nói rằng “chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi việc mình muốn, nhưng chúng ta luôn có đủ thời gian để làm những việc quan trọng nhất! Khả năng tập trung vào những việc quan trọng nhất, và hoàn thành những việc đó với kết quả tốt nhất chính là chìa khóa đem lại thành công.”

Vậy làm thế nào để có thể tập trung vào những việc quan trọng nhất? Và làm thế nào để chúng ta trở nên hiệu quả hơn?

Hãy áp dụng nguyên tắc 80/20 mà Brian Tracy đã chia sẻ trong “Eat That Frog”.

Nguyên tắc 80/20 trong quản lý thời gian
80% kết quả của bạn sẽ đến từ 20% công việc bạn làm. Có nghĩa nếu bạn có danh sách 10 việc cần làm, chỉ 2 việc trong số đó đem lại cho bạn nhiều giá trị hơn toàn bộ 8 việc còn lại. Brian Tracy so sánh 20% công việc đem lại giá trị cao nhất là những ‘con ếch’ xấu xí nhất, khủng khiếp nhất. Khi nhìn nó, bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm và không hề muốn ‘thưởng thức’. Thực tế là những công việc mà chúng ta thường né tránh vì phức tạp hay khó khăn chính là những việc quan trọng và giá trị nhất.

Từ bây giờ, hãy tìm và ‘ăn’ những ‘con ếch’ xấu xí nhất nếu bạn muốn thành công.

20% ‘con ếch’ xấu xí nhất
Trước hết, bạn cần xác định mục tiêu của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu của hôm nay, tuần này, tháng này, năm này là gì?

“Trong hôm nay, tôi phải hoàn thành báo cáo doanh thu theo sản phẩm của tháng 10”.
“Mục tiêu của tôi là tăng thêm 5 khách hàng mới trong tháng này”.

Khi đã xác định rõ mục tiêu, bạn lập ra danh sách những việc mình cần làm trong ngày, tuần, tháng và năm. Trong danh sách này, hãy phân tích, chọn ra những việc giúp bạn đạt được mục tiêu và đánh thứ tự ưu tiên. Nhờ những thứ tự ưu tiên này, bạn sẽ biết đâu là 20% ‘con ếch’ xấu nhất cần phải ‘ăn’. Bạn cần phải rà soát danh sách những-việc-cần-làm thường xuyên để nhắc nhở mình những việc quan trọng và tập trung thực hiện cho đến khi hoàn thành. Bạn cần kiên nhẫn vì những việc quan trọng nhất, đem lại giá trị cao nhất là những việc khó khăn nhất.

Nếu bạn đang cần gọi điện cho 5 khách hàng quan trọng, đừng kiểm tra email; vì khi kiểm tra email, bạn dễ dàng bị lôi cuốn từ email này qua email khác, và sau khoảng 1 tiếng đồng hồ “la cà”, bạn quên mất mình cần gọi điện thoại cho 5 khách hàng đã định. Vậy kết quả là hoặc bạn sẽ gọi cho 3 người thay vì 5 người; hoặc bạn vẫn gọi cho 5 người nhưng sẽ phải bỏ qua một công việc quan trọng khác.

Nhìn trước kết quả
Đa số chúng ta có thói quen bắt tay vào công việc mà không cân nhắc kỹ lưỡng. Việc gì đến trước làm trước. Việc dễ làm trước, việc khó làm sau. Đơn giản vì việc dễ thì dễ làm. Hơn nữa, với suy nghĩ, việc gì cũng cần phải làm, chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy “bận rộn nhưng không hiệu quả”.

Nếu bạn là nhân viên kinh doanh, việc gọi điện cho khách hàng A đang than phiền và cần hỗ trợ quan trọng hơn hay việc thảo một email chúc mừng sinh nhật khách hàng B? Dĩ nhiên viết email chúc mừng sinh nhật dễ hơn nhiều. Nhưng trong thời điểm này, nếu vấn đề của khách hàng A không được giải quyết, bạn có nguy cơ mất luôn khách hàng này, và hình ảnh “thiếu chuyên nghiệp” của bạn và công ty bạn trong mắt họ có khả năng lan tỏa đến hơn 40 khách hàng khác trong network của họ. Hãy cân nhắc thật cẩn thận.

Khi cân nhắc cẩn thận kết quả/ hậu quả khi làm hay không làm một công việc nào đó, bạn sẽ biết công việc nào sẽ đem lại 80% giá trị cho mục tiêu mình đặt ra. Nhờ nhìn thấy được kết quả, bạn cũng sẽ biết những việc mình không cần làm.

Khi tôi áp dụng nguyên tắc 80/20, lịch làm việc được sắp xếp khoa học hơn, rõ ràng hơn và hiệu quả hơn. Và tôi thấy mình ‘có thêm nhiều thời gian hơn’ để có thể ‘ăn’ nhiều ‘con ếch’ xấu xí hơn, từ đó có thể hoàn thành những việc đem lại nhiều giá trị hơn. Khi bạn tạo ra nhiều giá trị, giá trị của chính bạn sẽ tăng lên.

Luôn đặt ra cho mình câu hỏi “Việc quan trọng nhất mình cần phải làm lúc này là gì?” Tập trung vào việc đó cho đến khi hoàn thành. Cân nhắc để thực hiện những việc đem lại nhiều giá trị và biết từ chối những công việc không mang lại giá trị. Nếu thực hiện thường xuyên, bạn sẽ thấy những thay đổi tích cực.

“Con ếch” xấu xí nhất của bạn là gì? Bạn đã “ăn” nó như thế nào?

Hà Huệ Chi
Director of Marketing & Operations
VietnamWorks

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Tại sao chúng ta sống?

SỐNG -- Có lẽ đó là điều mà nhiều người quan tâm nhất vì nói cho cùng thì đó là điểm chung lớn nhất của con người chúng ta. Nhưng đối với mỗi người, SỐNG có một ý nghĩa khác nhau. Và mỗi người cũng có những mối quan tâm khác nhau về cuộc sống. Tuy nhiên, đa phần những mối quan tâm đó có thể được xếp vào hai loại chính:

- Loại “Thế Nào?” với những câu hỏi như là: “Tôi nên sống như thế nào?”, “Tôi phải làm thế nào để hạnh phúc hơn?”, “Tôi phải làm thế nào để thành công hơn?”,…

- Loại “Điều Gì?” với những câu hỏi như là: “Tôi muốn điều gì trong cuộc sống này?”, “Tôi cần điều gì trong cuộc sống?”, “Tôi phải có những điều gì?”, “Tôi phải hy sinh những điều gì?”, “Tôi phải làm được những điều gì?”,…

Và rồi, chúng ta cứ mãi đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi đó trong cả cuộc đời. Tôi cũng đã từng như thế, bởi vì tôi tin rằng mỗi câu hỏi phải được trả lời một cách riêng lẻ. Nhưng rồi đến một ngày, tôi bất chợt nhận ra một điều rằng, có một câu hỏi mà nếu tôi tìm ra được câu trả lời, thì việc tìm câu trả lời cho những câu hỏi khác không còn quá khó khăn nữa.

Câu hỏi ấy chính là: “Tại sao tôi sống dù biết rằng rốt cuộc mình cũng sẽ rời bỏ cuộc đời này?”

Đối với tôi, câu trả lời là: “Tôi sống để tạo nên những khác biệt tích cực cho bản thân tôi, cho gia đình, cho bạn bè và cho xã hội.”

Với câu trả lời ấy, tôi sống từng ngày biết rằng tại sao mình sống, biết rằng mình đang đi đâu về đâu, biết rằng cuộc sống của tôi thật sự là một hành trình cho dù hành trình ấy có cùng điểm xuất phát và điểm đến, và biết rằng ngày tôi rời khỏi cuộc đời này tôi sẽ có thể mỉm cười vì những khác biệt tích cực mình đã tạo ra cho dù là nhỏ nhoi đi nữa.

Còn bạn thì sao? Đã có bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao tôi sống?”, và bắt đầu tìm kiếm cho mình câu trả lời? Cho dù sao đi nữa, bạn chỉ cần đơn giản nhớ một điều rằng, chỉ có mình bạn có thể tìm thấy câu trả lời bởi vì câu trả lời ấy là câu trả lời cho chính cuộc đời của bạn chứ không phải ai khác.

Trần Đăng Khoa

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

TỪ QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ ĐẠT THÀNH CÔNG THÀNH CÔNG ĐỈNH CAO

Hầu hết những nhà vô địch thể thao, những nghệ sĩ tài danh, những người thành đạt khi được hỏi đâu là bí quyết của thành công, họ đều trả lời bằng công thức: đam mê cùng rèn luyện. Một số người lập luận rằng, đam mê là điều quan trọng nhất vì khi có đam mê chúng ta mới dành thời gian rèn luyện, mới dám lăn mình và xả thân vào điều ta khao khát. Nhưng theo tôi, chính việc nỗ lực rèn luyện, dám đối mặt và vượt qua mọi khó khăn để sống với điều mình mong muốn mới là thước đo của lòng đam mê đích thực.

Đôi khi chúng ta không đủ tỉnh trí để phân biệt đâu là thích, đâu là đam mê. Không ít những người trẻ khi nhìn thấy hào quang của ca sĩ trên sân khấu, của nghệ sĩ trên sàn diễn hay của các ngôi sao trên màn bạc đã vội tuyên bố: tôi đam mê làm nghệ sĩ. Hoặc trong nghề nghiệp của tôi, cũng có khá nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy sự ngưỡng mộ của khán giả dành cho tôi rồi tuyên bố: tôi đam mê diễn thuyết mà không biết rằng đằng sau đó là cả một quá trình rèn luyện và mài dũa không ngừng. Đôi khi những phần thưởng mà nghề nghiệp mang lại như tiền bạc, địa vị, sự ngưỡng mộ, sự tôn trọng cũng dễ khiến ta lầm tưởng là ta đam mê công việc đó. Kỳ thực, chỉ khi bạn sẵn sàng rèn luyện bất kể nắng mưa gió bão, bất kể nhọc nhằn, bất kể thành công chưa đến, khi đó bạn mới thật sự có đam mê vì bạn hết lòng khao khát đạt được thành quả cuối cùng.

Những người thành công trong mọi lĩnh vực đều ý thức sự cần thiết của việc rèn luyện. Họ không bao giờ phàn nàn, không bao giờ tự mãn, không bao giờ ngừng vươn lên. Họ luôn mài bén kỹ năng, đặt ra những mục tiêu ngày càng cao hơn, và miệt mài rèn luyện từ ngày này qua ngày khác. Chính lòng đam mê không cho phép họ hài lòng với những chuẩn mực thấp trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Vậy phải chăng đam mê là mồi lửa và rèn luyện chính là nhiên liệu thắp sáng thành công!

Diễn giả Quách Tuấn Khanh

Nhiều lúc bạn phải tỉnh táo để nhận ra: bạn đang đam mê những phần thưởng do công việc mang lại hay bạn thật sự đam mê chính công việc.

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Chương trình “ Game show tháng 10 ” cùng Leading In The Future!






Chương trình “ Game show tháng 10 ” cùng Leading In The Future!

Hiện nay, TeamBuilding đang là giải pháp hữu hiệu dành cho các bạn học sinh, sinh viên các cá nhân, tổ chức với mục tiêu xây dựng và phát triển tinh thần đồng đội, tạo nên sức mạnh toàn thể để cùng nhau hướng tới thành công.


Với tinh thần học mà chơi, chơi mà học. Vào 14h30, chủ nhật,ngày 31/10/2010, tại công viên Nghĩa Đô, dưới sự hỗ trợ của Công ty Leading In The Future, CLB Sinh Viên Việt đã tổ chức thành công Game show tháng 10 với chủ đề “ TeamBuilding- Sức mạnh đội ngũ” nhằm giúp các bạn hiểu như thế nào là sức mạnh của đội , cách lãnh đạo đội khi gặp khó khăn… và refresh lại tinh thần cho câc bạn sau một tuần học tập và làm việc căng thẳng.

Tham gia chương trình có 23 bạn trong đó gồm các bạn sinh viên của các trường đại học và các anh chị đã đi làm trên địa bàn thành phố Hà Nội dưới sự dẫn dắt và tổ chức của 2 quản trò rất vui tính: anh Mai Thái Hà (Đại diên công ty LITF) và anh Lê Văn Thiết( Chủ tịch VSC Công Nghiệp) cùng đội teamwork VSC. Buổi giao lưu đã diễn ra rất sôi nổi với các trò chơi mang tính đồng đội cao như: Hò dô ta, tàu lượn, kết chụm, vượt sông và đầy kịch tính là trò chơi : “ Vua Hùng kén rể” đã thực sự mang lại không ngớt những tiếng cười giòn tan cho tất cả các bạn, để các bạn tự nhận thấy những khó khăn khi làm việc trong cùng một đội và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn của đội mình thông qua phương pháp học mới đầy thú vị…

Cuối buổi giao lưu, bạn Triệu Minh Tiến đã hào hứng chia sẻ: “Với mình,buổi giao lưu hôm nay rất là vui. Ban đầu mọi người còn ngại ngùng, không dám thể hiện mình nhưng chỉ qua trò chơi thứ nhất, cả nhà đã cảm thấy hưng phấn, mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều và không khí của buổi giao lưu càng lúc càng vui hơn. Bên cạnh đó, các trò chơi đòi hỏi người chơi phải có tinh thần đồng đội cao để có thể phối hợp với mọi người trong nhóm một cách nhịp nhàng và dành chiến thắng nên qua mỗi trò chơi mình đã rút ra được những kinh nghiệm về kỹ năng teamwork. Cảm ơn LITF và VSC đã tạo điều kiện cho chúng mình gặp gỡ và giao lưu với nhau. Hy vọng sẽ còn được tham gia nhiều hơn nữa những buổi giao lưu của VSC…” . Ngoài ra bạn ấy còn bật mí thêm: “…Tuy nhiên thì mình nghĩ chơi những trò chơi này rất có hại cho tim các bạn nam vì phải thường xuyên nắm tay các bạn gái xinh xắn, dễ thương làm tim đập mạnh quá có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của tim chúng ta. Vì thế mình đề nghị BTC trước khi chơi nên chuẩn bị sẵn găng tay cho các bạn nữ. Thay mặt các bạn nam cảm ơn BTC rất nhiều :D”.

Với không khí sôi nổi và sự hào hứng của các bạn, LITF và VSC tin tưởng chương trình Game show tháng 11 sắp tới sẽ diễn ra thành công hơn nữa, mang lại cho các bạn những khoảng thời gian tuyệt vời. Hẹn gặp lại các bạn. Chúc các bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc!

Thân ái

Đỗ Thị Huệ - Sinh Viên Việt

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

"TeamBuilding: Sức mạnh đội ngũ"


Chương trình Game show tháng 10 với chủ đề :
"TeamBuilding: Sức mạnh đội ngũ"

Chúng ta xây dựng Tinh thần đồng đội bằng việc tạo ra “môi trường an toàn” nơi mọi thành viên có thể chia sẻ ý kiến mà không phải lo lắng phòng thủ người khác phản đối. Các giải pháp hướng đến mục tiêu này là các hoạt động trò chơi vận động từ thấp đến cao.

Đến với chương trình teambuilding: Sức mạnh đội ngũ các bạn sẽ được biết một đội khác một nhóm như thế nào, Làm thế nào để phát huy sức mạnh đội ngũ, Làm thế nào để lãnh đạo một đội ngũ vượt qua các khó khăn.

Với tinh thần Học mà chơi, chơi mà học.
Vào 14h, chủ nhật, ngày 31/10/2010.
Tại công viên Nghĩa Đô.

Dưới sự hỗ trợ của Công ty Leading in the future, Câu lạc bộ Sinh Viên Việt xin mời các bạn tới trải nghiệm một phương pháp mới trong học tập đó là học qua trò chơi, và lần này chương trình của chúng tôi có tên Sức mạnh đội ngũ.

Chương trình nằm trong Kế hoạch dự án hỗ trợ cộng đồng của Công ty Leading in the future – một công ty chuyên về tư vấn và phát triển tiềm năng con người.

Chắc chắn các bạn sẽ tìm được câu trả lời cho mình về Sức mạnh đội ngũ



Để tham gia chương trình, mời bạn click vào link sau để đăng ký :https://spreadsheets.google.com/viewform?formkey=dHREYkZVamVQMTJvTUN3eVI4VUdtcVE6MQ

HÀNH TRÌNH MIỀN TRUNG – “VỀ VỚI LŨ”

HÀNH TRÌNH MIỀN TRUNG – “VỀ VỚI LŨ”

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2010

KÍNH THƯA QUÝ VỊ!

Tình hình mưa lũ ở miền trung Việt Nam diễn ra vừa qua khiến cho biết bao gia đình nơi đây nhà tan cửa nát. Những con người vốn đã khốn khó, nay lại phải vật lộn với dòng lũ khủng khiếp và hậu quả là sự thiệt hại thảm khốc về người và của như quí vị đã thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giờ phút này họ đang thiếu thốn tất cả mọi thứ như quần áo, chăn màn, nồi niêu, bát đĩa, lương thực, nước uống…và cả thuốc men để đối phó với dịch bệnh sau khi cơn lũ đi qua.

Với tinh thần tương thân, tương ái, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã tự phát thành lập những đơn vị cứu trợ cho đồng bào miền trung trong tình thế cấp thiết như hiện nay, và chúng tôi nhóm “VỀ VỚI LŨ” cũng nằm trong số đó.

VỀ VỚI LŨ” đã tập hợp được một số tổ chức, cá nhân hảo tâm và đặc biệt là một số nhóm sinh viên tình nguyện trên tinh thần phi lợi nhuận và niềm tin vào luật “Nhân quả – Nghiệp báo”.

VỀ VỚI LŨ” luôn cổ vũ và sẵn sàng chuyển tiếp đến tận tay đồng bào miền Trung bất kỳ thứ gì mà Quí vị muốn chia sẻ trong cơn hoạn nạn này.

Cổng thông tin chính thức của chương trình:

Website: http://vevoilu.com

Email: lienhe@vevoilu.com

Hotline: 0912505599 (Mr.Long) * 0904663881 (Mr.Tuấn) *0982463666 (Mr Hà)

Địa chỉ tập kết hàng:

  1. Tổng kho: NIM STUDIO – số 1 ngõ 27/2 Huỳnh Thúc Kháng – Q.Đống Đa - HN

Hotline: (Mr.Long)

  1. Café 50mm: P104 nhà A2, Ngõ 213B Xã Đàn đường Kim Liên Mới – Q.Đống Đa – HN

Hotline: (Mr.Đàm Linh)

  1. Kho số 2: Số 3A ngách 22/17 ngõ 49 Phố Dương Quảng Hàm – Q.Cầu Giấy – HN

Hotline: (Mr.Long)

* Quần áo cũ, chăn, màn cũ, sách cũ, nồi niêu, bát đĩa, lương thực, nước uống…mà quý vị muốn giúp đỡ đồng bào miền Trung nhưng không có điều kiện vận chuyển đến nơi tập kết. Xin hãy cho chúng tôi địa chỉ và lịch hẹn, chúng tôi sẽ cử sinh viên tình nguyện đến tận nơi để thu nhận.

ĐẠI DIỆN “VỀ VỚI LŨ”

Mai Thái Hà

0982463666

** VÌ NGHĨA CỬ CAO ĐẸP hôm nay của Quý vị, chúng tôi tin rằng ngày mai ông trời sẽ ban phúc lành đến toàn thể đại gia đình Quí vị!

CHÍ ÍT CŨNG PHẢI MUA MỘT TẤM VÉ SỐ CHỨ

Một người đàn ông vô cùng tuyệt vọng sau khi công việc kinh doanh của mình sụp đổ. Bao nhiêu vốn liếng cùng các mối quan hệ làm ăn đều tan theo mây khói. Ông ta chẳng còn đâu để bám vào ngoài chút hi vọng về một vận may trời cho. Người đàn ông đau khổ thành tâm cầu nguyện đêm ngày, ông thảm thiết van xin: “Lạy Trời, xin Ngài hãy giúp con. Cách duy nhất để con có thể khôi phục lại sự nghiệp của mình là hãy cho con trúng số độc đắc…”. Cùng một lời cầu nguyện ấy vang lên liên tục, ngày này qua ngày nọ: “…Tất cả những gì con cần là trúng số độc đắc, chỉ một lần thôi, một lần duy nhất thôi, xin Ngài!”. Sau bao nhiêu nỗ lực cầu nguyện, một hôm, ông nghe có giọng văng vẳng bên tai, cũng khổ đau, thảm thiết: “Lạy hồn, con có cho ta nghỉ ngơi không vậy? Ta biết phải làm gì đây? Cách nào để giúp được con? Chí ít thì con cũng phải đi mua lấy một tấm vé số chứ!”

Cuộc đời là nơi mà những ý định, mong muốn và ước mơ của con người hiển lộ thành những kết quả thực tế, nhưng mọi thứ chỉ có thể xảy ra khi có những hành động tích cực từ chúng ta. Nhiều người cứ thụ động ngồi mơ mộng đợi chờ cuộc sống trôi xuôi theo ý họ muốn rồi than thân trách phận rằng sao đời bạc bẽo, trái ngang. Trong khi đó, những người hành động thì luôn chịu trách nhiệm về đời mình, quyết định làm điều họ muốn, không ngại theo đuổi những khát khao, và họ thường nhận được những kết quả như ý.

Không phải lúc nào con tàu cũng cập bờ hay chờ sẵn nơi bến để đón bạn lên, đôi khi bạn phải bơi ra khơi để đến được với nó. Một nguyên tắc của thành công là thành công chỉ đến với những ai chủ động hướng về phía nó chứ không dành cho những người ngồi yên chờ đợi, thành công cũng chỉ đến với những người đoán trước cuộc chơi để luôn ở thế tấn công thay vì yên phận phòng thủ. Và điều thú vị là khi bạn bắt đầu hành động một cách quyết đoán thì các trở ngại bỗng chốc lùi xa và may mắn lại ưu ái lại mỉm cười với bạn.

Diễn giả Quách Tuấn Khanh

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Trí tuệ cảm xúc – Yếu tố quan trọng để thành công (tiếp theo)

Giờ đây, bạn đã biết được trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) quan trọng ra sao đối với sự nghiệp và cuộc sống (xem lại phần 1). Bạn tự hỏi liệu có cách nào để nâng cao trí tuệ cảm xúc hay không? Một số bí quyết sau có thể giúp bạn!

· Chú ý đến cách bạn giao tiếp với mọi người. Bạn có vội vàng đưa ra phán đoán khi chưa biết hết thông tin không? Bạn có nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn không? Hãy đặt mình vào vị trí của ngừơi đối diện và cởi mở hơn để có thể chấp nhận quan điểm và nhu cầu của họ.

· Quan sát môi trường làm việc. Bạn có luôn muốn mọi người chú ý đến thành tích của mình hay không? Bạn nên khiêm tốn vì đó luôn là một phẩm chất tốt và khiêm tốn hoàn toàn không có nghĩa bạn là người nhút nhát hay thiếu tự tin. Thể hiện sự khiêm tốn chính là bạn biết rõ điều mình làm và tự tin mình sẽ thành công mà không cần phải nói quá nhiều về nó. Hãy cho đồng nghiệp cơ hội để thể hiện năng lực và đừng quá chú trọng về việc mình có được mọi người tán dương hay không.

· Tự đánh giá bản thân. Đâu là điểm yếu của bạn? Bạn có sẵn sàng thừa nhận mình không phải là người hoàn hảo và sửa đổi để bạn trở thành một người tốt hơn? Hãy mạnh dạn đánh giá bản thân một cách chân thật. Điều này có thể giúp bạn có những thay đổi quan trọng trong cuộc đời!

· Đương đầu với áp lực. Bạn có cảm thấy bực bội mỗi khi có sự chậm trễ trong công việc hoặc một việc gì đó xảy ra không như ý bạn không? Bạn có đổ lỗi cho người khác hoặc phát cáu với họ, ngay cả khi họ không có lỗi? Khả năng giữ cái “đầu lạnh” trong kinh doanh nói riêng và cuộc sống nói chung rất quan trọng. Vì thế, hãy kiềm chế cảm xúc khi mọi việc diễn ra không như ý muốn.

· Chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu bạn làm tổn thương người khác, hãy gặp họ để trực tiếp xin lỗi. Đừng phớt lờ những việc bạn đã làm hoặc lảng tránh họ. Với thái độ thành tâm sửa lỗi, người ta thường dễ dàng tha thứ và quên đi mọi chuyện.

· Chú ý sự ảnh hưởng từ những gì bạn làm đối với mọi người xung quanh. Nếu quyết định của bạn gây ảnh hưởng đến người khác, hãy đặt mình vào vị trí của họ. Họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn làm việc này? Bạn có muốn điều đó xảy ra không? Nếu thật sự bạn phải làm như thế, bạn sẽ làm gì để giúp người khác vượt qua được những ảnh hưởng đó?

Trí tuệ cảm xúc là sự nhận thức về những hành động và cảm xúc của bạn cũng như sự ảnh hưởng của chúng đối với những người xung quanh. Điều này có nghĩa là bạn tôn trọng những người xung quanh, lắng nghe những mong muốn và nhu cầu của họ, và bạn có khả năng thông cảm hay đồng cảm với họ - dù họ ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội.

Bên cạnh trí thông minh, trí tuệ cảm xúc sẽ giúp bạn dễ dàng tạo dựng những mối quan hệ xã hội tốt đẹp và đạt được thành công trong cuộc sống. Nhiều người tin rằng trí tuệ cảm xúc quan trọng như trí thông minh và nhiều công ty đang sử dụng những bài kiểm tra về trí tuệ cảm xúc để tuyển dụng nhân sự.

(Theo mindtools.com)

Trí tuệ cảm xúc – Yếu tố quan trọng để thành công

Trong cuộc sống, bạn có thể đã từng gặp những người có kỹ năng giao tiếp rất tốt. Trong mọi tình huống, họ dường như luôn biết cách cư xử khéo léo để chúng ta không cảm thấy bị xúc phạm hoặc bực bội. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta không tìm ra giải pháp cho vấn đề, họ cũng làm chúng ta cảm thấy lạc quan và có thêm niềm tin.

Cũng có khi bạn gặp những “bậc thầy” trong việc điều khiển cảm xúc. Khi phải làm việc dưới áp lực, họ không cáu giận mà có khả năng nhìn thẳng vào vấn đề và bình tĩnh tìm ra giải pháp. Họ là những người có khả năng ra quyết định đúng đắn và biết khi nào có thể tin vào trực giác của mình. Họ luôn sẵn lòng thừa nhận những nhược điểm của mình và biết tiếp thu những lời phê bình để phát triển bản thân.

Có điểm gì chung giữa những người đề cập ở trên? Đó là họ đều giàu trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence). Họ hiểu rất rõ về bản thân và có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác.

Ngày nay, cũng như năng lực chuyên môn, trí tuệ cảm xúc càng lúc càng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của con người trong sự nghiệp. Những nhà tuyển dụng có xu hướng sử dụng chỉ số trí tuệ cảm xúc như một tiêu chí đánh giá năng lực con người khi tuyển dụng và đề bạt.

Vậy trí tuệ cảm xúc là gì và làm sao để nâng cao trí tuệ cảm xúc?

Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.

Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường thành công trong cuộc sống vì họ làm người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với họ. Khi họ gửi e-mail, mọi người thường trả lời ngay. Khi họ cần giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng nhận được. Chính vì thế, cuộc sống của người giàu trí tuệ cảm xúc thường dễ chịu hơn những người dễ cáu giận bực bội.

Đặc điểm của trí tuệ cảm xúc
Theo Daniel Goleman, một nhà tâm lý học người Mỹ, trí tuệ cảm xúc có 5 đặc điểm sau:
1. Hiểu rõ chính mình
Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự. Đồng thời, họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy hoặc khắc phục, nhờ vậy họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng sự hiểu rõ bản thân chính là thành tố quan trọng nhất của trí tuệ cảm xúc.

2. Kiểm soát bản thân
Những người có khả năng kiểm soát bản thân thường không để mình nổi giận hoặc nảy sinh lòng ghen tỵ thái quá, và họ cũng không ra những quyết định ngẫu hứng, bất cẩn, mà luôn nghĩ suy nghĩ trước khi hành động. Nhờ biết kiểm soát bản thân, họ luôn suy nghĩ chín chắn, thích ứng tốt với sự thay đổi, chính trực và biết nói “không” khi cần thiết.

3. Giàu nhiệt huyết
Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường làm việc rất tận tụy, với hiệu quả cao. Họ sẵn lòng hy sinh thành quả trước mắt để đạt được thành công lâu dài. Họ thích được thử thách và luôn làm việc một cách hiệu quả.

4. Biết cảm thông
Đây có lẽ là thành tố quan trọng thứ hai của trí tuệ cảm xúc. Cảm thông là việc bạn đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh bạn. Những người biết cảm thông thường rất giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác, kể cả những cảm xúc tinh tế nhất. Nhờ vậy, họ luôn biết cách lắng nghe người khác và thiết lập quan hệ với mọi người. Họ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn hay phán đoán tình huống quá vội vàng. Họ luôn sống chân thành và cởi mở.

5. Kỹ năng giao tiếp
Thật là thoải mái khi được tiếp xúc với những người giỏi giao tiếp – một đặc điểm khác của trí tuệ cảm xúc. Những người giỏi giao tiếp thường có khả năng làm việc nhóm tốt. Họ quan tâm đến việc giúp người khác phát triển và làm việc hiệu quả hơn là thành công của chính mình. Họ biết cách tranh luận hiệu quả và là những bậc thầy trong việc thiết lập và duy trì quan hệ xã hội.

Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng để giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp. Quản lý con người và các mối quan hệ là kỹ năng quan trọng của mọi nhà lãnh đạo, vì thế nâng cao và vận dụng trí tuệ cảm xúc trong công việc là một cách thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn. Vậy đâu là phương cách tối ưu để bạn có thể tích lũy và nâng cao dạng trí tuệ đặc biệt này của mình? Hãy đón đọc phần tiếp theo của bài viết để có câu trả lời!

(Theo mindtools.com)

Quyền lực từ năng lực chuyên môn

Người lãnh đạo có nhiều dạng quyền lực khác nhau. Một số dạng quyền lực có thể gây khó chịu như quyền lực dựa trên vị trí được bổ nhiệm, quyền khen thưởng, trừng phạt và quyền kiểm soát thông tin. Tuy những dạng quyền lực này ít nhiều tỏ ra hữu hiệu nhưng chúng lại khiến cấp dưới cảm thấy không thoải mái và khiến người lãnh đạo trở nên độc đoán và khó gần trong mắt họ.

Hơn nữa, trong vòng 50 năm qua, xã hội đã có nhiều thay đổi. Ngày nay, quyền tự do cá nhân trở nên mạnh mẽ hơn và con người có thể chuyển việc dễ dàng hơn. Phần đông chúng ta không thích bị người khác áp đặt quyền lực. Nhiều người còn sẵn sàng làm những gì có thể để phản kháng lại những người sử dụng các dạng quyền lực tiêu cực này.

Vì vậy, muốn lãnh đạo hiệu quả, người lãnh đạo nên sử dụng 3 dạng quyền lực tích cực sau: quyền lực từ uy tín cá nhân, quyền lực từ năng lực chuyên môn và quyền lực từ sự khâm phục, ngưỡng mộ của người khác.

Bài viết này sẽ giới thiệu cách xây dựng quyền lực từ năng lực chuyên môn.

Sức mạnh của quyền lực từ năng lực chuyên môn
Quyền lực từ năng lực chuyên môn rất quan trọng đối với một người lãnh đạo. Khi bạn làm lãnh đạo, các thành viên trong nhóm làm việc của bạn sẽ luôn cần bạn định hướng và dẫn dắt. Họ cần có niềm tin là bạn có khả năng định hướng chính xác, chỉ đạo hợp lý và điều phối hiệu quả hoạt động của nhóm để mang lại một kết quả tốt.

Nếu mọi người trong nhóm đánh giá bạn là một chuyên gia đích thực, thật sự có tài, họ sẽ chú ý lắng nghe bạn hơn khi bạn cố gắng thuyết phục họ làm một việc gì đó và khi bạn muốn truyền cảm hứng làm việc cho họ.

Ngoài ra, nếu họ đánh giá bạn có tài, bạn sẽ dễ động viên họ làm việc hơn:
- Nếu thành viên trong nhóm ngưỡng mộ năng lực chuyên môn của bạn, họ sẽ có niềm tin là bạn có thể chỉ dẫn cho họ phương cách làm việc hiệu quả.

- Nếu khâm phục tài phán đoán của bạn, họ sẽ đặt niềm tin vào khả năng chỉ đạo, điều hành của bạn. Nhờ vậy, họ sẽ làm việc cố gắng và hiệu quả hơn.

- Nếu thấy rõ năng lực của bạn, họ sẽ tin tưởng rằng bạn đủ trí tuệ để chỉ dẫn và hướng những nỗ lực của họ về một mục tiêu công việc xứng đáng nhất.

Tóm lại, nếu nhân viên tin tưởng vào năng lực chuyên môn của bạn, bạn sẽ dễ dàng động viện nhóm làm việc với hiệu quả cao nhất.

Làm cách nào để xây dựng dạng quyền lực này?
- Nâng cao năng lực chuyên môn: Bước đầu tiên và cũng tốn nhiều thời gian nhất là nâng cao năng lực chuyên môn. Người lãnh đạo nên tích cực “nạp” thông tin tổng quát về ngành nghề của mình cũng như thông tin liên quan đến những công việc cụ thể mình đang làm.

Tuy nhiên, nếu chỉ mình bạn biết bạn tài giỏi không thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng là mọi người phải thừa nhận tài năng của bạn và xem bạn là một người cố vấn đáng tin cậy. Vì thế, Gary A. Yukl, trong cuốn “Nghệ thuật lãnh đạo trong tổ chức” đã chỉ rõ một số việc bước sau đây để xây dựng quyền lực từ năng lực chuyên môn:

- Quảng bá năng lực của bản thân: Trong nhiều ngành nghề, năng lực chuyên môn của một người thường được đánh giá tương đương với trình độ học vấn và kinh nghiệm tích lũy được. Vì thế, người lãnh đạo nên khéo léo “giới thiệu” với cấp dưới, đồng nghiệp và cấp trên về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc liên quan đến công việc và những thành tích đáng chú ý của mình.

Một cách khác là khéo léo đề cập đến những bằng cấp đã đạt được hay kinh nghiệm làm việc trước đây của mình khi giao tiếp với đồng nghiệp. Ví dụ: bạn có thể nói: “Khi tôi làm kỹ sư trưởng ở GE, công ty chúng tôi cũng đã từng gặp một vấn đề tương tự như thế này.” Tuy nhiên, bạn nhớ đừng lạm dụng cách này vì có thể gây phản cảm.

- Giữ vững danh tiếng: Một khi đã tạo lập được danh tiếng, bạn nên chú ý bảo vệ hình ảnh của mình. Những nhận xét bất cẩn sẽ mất ‘hình tương’ của bạn. Nếu được yêu cầu hợp tác trong những dự án có khả năng thành công thấp, bạn nên phân tích và đưa ra ý kiến tại sao không nên thực hiện; thay vì tham gia một cách vô điều kiện để hình ảnh và danh tiếng của bạn bị ảnh hưởng.

- Hành động tự tin và quyết đoán khi gặp khó khăn: Trong tình huống “nước sôi lửa bỏng”, cấp dưới luôn tin tưởng hơn vào những người lãnh đạo dám nhận trách nhiệm, những người biết cách chỉ đạo nhóm giải quyết vấn đề. Những lúc như vậy, cấp dưới sẽ xem khả năng lãnh đạo kiên định, tự tin như một trong những biểu hiện năng lực của bạn. Ngay cả khi bạn không chắc mình nên xử trí tình huống như thế nào, bạn cũng không nên mất bình tĩnh vì nhân viên của bạn đang quan sát và trông chờ vào bạn.

- Cập nhật thông tin: Quyền lực của năng lực chuyên môn được hình thành từ khả năng thuyết phục và sự thể hiện tài năng của bạn. Muốn thuyết phục người khác, bạn cần luôn nắm vững những thông tin mới nhất. Vì thế, bạn phải thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình trong nhóm của bạn, trong công ty và môi trường bên ngoài.

- Quan tâm đến các thành viên trong nhóm: Người lãnh đạo không nên chỉ biết thuyết phục cấp dưới thực hiện những kế hoạch của mình. Bạn cần chú ý lắng nghe khi các thành viên trong nhóm thổ lộ những mối bận tâm và âu lo của họ và cùng tìm biện pháp giải quyết.

- Chú ý về khoảng cách kiến thức và lòng tự trọng của nhân viên: Quyền lực từ năng lực chuyên môn bắt nguồn từ khoảng cách kiến thức giữa người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm. Tuy nhiên, chính sự khác biệt này có thể sẽ là nguyên nhân của nhiều vấn đề nếu bạn không khéo léo trong việc thể hiện quyền lực.

Cấp dưới có thể sẽ không thích bất cứ sự so sánh nếu sự khác biệt này lớn và rõ rệt. Họ cũng có thể sẽ cảm thấy bực bội nếu người lãnh đạo cư xử một cách trịch thượng và tỏ ra kiêu ngạo về năng lực chuyên môn trội hơn của mình. Bạn tuyệt đối đừng làm như thế nhé!

(Theo mindtools.com)

5 chữ E cho 1 sự nghiệp vững tiến

Bạn sắp bước qua cột mốc 5 năm trong sự nghiệp và đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng dường như mọi thứ đang dần chậm lại.

Là một người năng động, thích học hỏi những điều mới mẻ, bạn không bao giờ muốn dậm chân tại chỗ. Bạn cần một giải pháp để thoát khỏi tình trạng bão hòa này. Hãy mang theo 5 chữ E sau đến công sở mỗi ngày, đây chính là động lực cho những thành công mới.

1. Enthusiastic – Nhiệt tình
Một khi bạn đã chán nản với công việc hiện tại, làm sao để tìm thấy sự nhiệt tình trong công việc? Đây chính là lý do tại sao bạn phải chủ động tạo ra sự nhiệt tình để đánh bật sự chán nản. Hãy bắt đầu bằng cách tự nói với bản thân rằng “Mình sẽ hào hứng làm tốt công việc này”.

Nếu bạn nghĩ “Công việc này thật chán”, bạn sẽ cảm thấy mất hết sinh khí và không còn hứng thú làm việc. Khi bạn thích những gì đang làm, sự nhiệt tình sẽ đến tự nhiên và thành công cũng vậy. Hãy “tấn công” công việc với sự nhiệt huyết và không lãng phí giây phút nào để thành công.

2. Efficient – Hiệu suất cao
Một khi làm việc với sự nhiệt tình, bạn sẽ tìm được cách hoàn thành công việc tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Đó chính là làm việc hiệu quả.

Làm việc với hiệu quả cao cũng giúp bạn thể hiện năng lực của mình. Khi không ngừng phấn đấu để trở thành người làm việc hiệu quả nhất, sớm hay muộn thăng tiến là đều tất yếu với bạn. Hãy sử dụng tối đa năng lực của mình để thành công

3. Excellent – Xuất sắc
Đây là chữ E làm bạn áp lực nhất, nhưng chính áp lực lại thúc đẩy bạn cố gắng hơn. Bạn không được hài lòng với kết quả tốt, hãy phấn đấu đạt kết quả xuất sắc trong tất cả những gì bạn làm. Đây chính là chìa khóa mở cửa thành công.

4. Early – Đến sớm
Bạn có bao giờ nghĩ rằng đi làm sớm sẽ giúp bạn thăng tiến? Chính thói quen nhỏ này sẽ góp phần vào thành công của bạn. Đối với những công ty không quá khắt khe về thời gian làm việc, nhân viên thường đến trễ về sớm mà không biết rằng họ đang lãng phì cả thời gian của bản thân lẫn công ty.

Buổi sáng chính là lúc cơ thể bạn tràn đầy năng lượng, vậy hãy bắt đầu một ngày làm việc mới thật sớm để tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng này. Giải quyết dứt điểm những việc khó nhất vào buổi sáng sẽ làm bạn hưng phấn hơn và ngày làm việc sẽ không còn chán nản như bạn nghĩ.

5. Easy – Dễ chịu
Bạn có muốn làm việc với một người hay than phiền, cằn nhằn về những chuyện nhỏ nhặt? Hãy làm việc một cách dễ chịu. Dễ chịu ở đây không có nghĩa là làm qua loa cho xong việc, không quan tâm đến kết quả đạt được mà hãy cởi mở, thân thiện với đồng nghiệp và làm việc với một tinh thần lạc quan.

Khi bạn dễ chịu với đồng nghiệp, họ cũng sẽ vui vẻ với bạn. Môi trường làm việc thân thiện giúp tinh thần thoải mái, năng suất làm việc cao hơn và kết quả công việc tốt hơn.

Bạn không cần phải lên một kế hoạch quá phức tạp và khó khăn để thăng tiến. Năm thái độ lạc quan trên sẽ mang lại kết quả khả quan cho sự nghiệp đang hồi bão hòa của bạn.

Vietnamwork


Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

HẠNH PHÚC ĐÂU QUÁ KHÓ TÌM

Bạn có thể học hằng hà sa số kiến thức ở nhà trường. Bạn có thể kiếm cho mình hàng loạt bằng cấp về học thuật, chuyên môn và những kỹ năng khác nhau. Bạn có thể cập nhật không ngừng những thông tin, sự kiện mới xảy ra hằng ngày trên thế giới… Nhưng những điều đó đôi khi là vật chướng ngại ngăn bạn chạm đến hạnh phúc trong đời.

Có những điều bạn không nhất thiết phải trải qua trường lớp để học và để được chứng nhận lại có sức mạnh quyết định hạnh phúc. Có những điều chẳng phải là phát minh hay khám phá gì mới mẻ, cao xa nhưng lại cần khắc cốt ghi tâm hơn việc dành tâm trí cho những thông tin biến đổi xoành xoạch ngoài kia. Đó là những qui luật tồn tại âm thầm qua nhiều thế kỷ trong đời sống của nhân loại, rất gần gũi và rất đỗi dễ hiểu nhưng không nhiều người đem ra thực hành trong đời sống để cảm nếm hạnh phúc.

Là:

Sống trọn vẹn mỗi ngày
Tử tế với mọi người
Có trách nhiệm với gia đình
Biết tin cậy, quảng đại và rộng rãi
Không nuôi dưỡng hận thù, giận dữ
Tích cực và lạc quan
Trung thành với ước mơ đời mình
Không qui phục nỗi sợ
Làm việc chăm chỉ, suy nghĩ khôn ngoan
Luôn hướng đến sự xuất sắc
...

Đó là những nguyên lý sống, là cội nguồn mang lại hạnh phúc mà ông bà tổ tiên ta từ thời xa xưa đã hiểu rất rõ. Nhiều người trong số họ sống ở những vùng nông thôn nghèo khó, ít học, nhưng họ vẫn nắm được những lẽ thường này. Ngày nay, chúng ta mải miết đi tìm kiến thức, ưa chuộng bằng cấp, say mê khám phá thế giới, tìm hiểu vũ trụ mà quên mất đâu là những điều cơ bản mang lại hạnh phúc trong đời. Thời nay đâu còn hiếm những người học hành đến nơi đến chốn, có học hàm, học vị rất cao. Nhiều thành tựu do con người tạo ra rất đáng tôn vinh. Tuy nhiên hầu hết nhân loại ngày nay vẫn đang rên xiết bởi những khổ đau và bất hạnh trong đời sống. Do đâu? Đáp án cho câu hỏi này không còn là một ẩn số nữa, mà là một lời kêu gọi mỗi một người hãy không ngừng vun đắp và triển nở nơi mình những giá trị cốt lõi của hạnh phúc.

Diễn giả Quách Tuấn Khanh

Thương hiệu - Không chỉ dành cho sản phẩm

Có bao giờ bạn tự hỏi – nếu phải làm một chương trình marketing cho chính mình, bạn sẽ giới thiệu điểm gì?

Ở công ty tôi có một anh chàng với nickname là “Can-Do” (làm được). Can-Do là một anh chàng trong bộ phận phát triển sản phẩm, lúc nào cũng có suy nghĩ tích cực. Mỗi khi đối mặt với một khó khăn, điều đầu tiên anh chàng sẽ nghĩ đến là “làm thế nào để giải quyết vấn đề này”, chứ không phải là “ai gây ra sự lộn xộn này?” Giải pháp của Can-Do không phải lúc nào cũng tối ưu, nhưng tôi hài lòng về thái độ tích cực của anh chàng. Rõ ràng, nếu ai đó hỏi tôi “Can-Do là người như thế nào?” tôi chẳng ngần ngại trả lời “anh chàng đó lúc nào cũng ‘can-do’.”

Còn bạn thì sao? Thương hiệu cá nhân của bạn là gì? Và làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?

1. Điểm khác biệt
Giá trị bạn đem đến cho người khác là gì? Những gì bạn đang làm mà người khác không làm được? Điều gì làm bạn thấy tự hào về bản thân? Đó chính là những yếu tố tạo nên sự khác biệt. Đừng nghĩ rằng chỉ khi có một chức danh lớn, một vị trí cao thì bạn mới đem lại giá trị cho người khác.

Một bạn trong nhóm của tôi phụ trách công việc kiểm tra các hợp đồng hợp tác và thanh toán cho đối tác và nhà cung cấp. Tôi gọi bạn là “Tỉ-Mỉ”. Tôi ấn tượng với cách Tỉ-Mỉ kiểm tra tỉ mỉ từng điều khoản của hợp đồng, nêu ra những điểm chưa thỏa đáng và đề nghị thêm vào những điều khoản phù hợp để làm cho hợp đồng chặt chẽ hơn. Tỉ-Mỉ làm tốt công việc những người khác không làm được. Đó chính là cách Tỉ-Mỉ tạo nên sự khác biệt. Và Tỉ-Mỉ tự hào về giá trị của chính mình.

2. Thông điệp thương hiệu
Với những điểm khác biệt, bạn muốn người khác nhắc đến mình như thế nào? Đi đầu với những ý tưởng mới? Khả năng diễn thuyết và truyền cảm hứng? Khả năng lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng rộng? Hãy viết ra những từ mà bạn muốn người khác nhớ đến mình, sau đó đưa ra một câu hoàn chỉnh – đó chính là thông điệp về thương hiệu của bạn.

Một ví dụ cho thông điệp thương hiệu cá nhân - “Tôi luôn tìm kiếm những cách thức để phát triển sản phẩm hiệu quả nhất. Những sản phẩm của tôi luôn đơn giản và dễ sử dụng, giúp mọi người tiết kiệm thời gian tối đa nhưng vẫn đạt hiệu quả tối ưu.”

3. Xây dựng niềm tin
Để người khác tin bạn, tin vào thông điệp thương hiệu của bạn, trước hết bạn phải trung thực với chính mình, hiểu rõ năng lực và phẩm chất của mình.

Hành động của bạn (cho dù nhỏ nhất) phải luôn nhất quán với thông điệp. Chẳng hạn bạn muốn được nhớ đến như là một diễn giả có duyên và hài hước, những câu chuyện của bạn phải làm khán giả cười thoải mái. Cách bạn trò chuyện, ứng xử, trả lời điện thoại, hay email cũng phải mang đến cảm giác “duyên và hài hước”.

4. Phong cách riêng
Trong quản lý thương hiệu, hình thức sản phẩm là một trong những yếu tố để chúng ta nhận diện một thương hiệu. Vậy thì, để người khác nhận diện được thương hiệu của mình, bạn phải có phong cách riêng, làm nổi bật giá trị cốt lõi của thương-hiệu-bạn.

Để tạo được phong cách riêng, bạn phải nghiêm khắc với chính mình, vì sẽ có những lúc bạn cảm thấy sự gò bó khi phải đi theo khuôn khổ do chính mình đặt ra. Phong cách riêng của bạn thể hiện qua trang phục, cách nói năng, cách giải quyết vấn đề, hay thậm chí là cách giao tiếp qua điện thoại, email hay cách bạn xuất hiện trước mọi người.

Ngoài ra, bạn cũng phải để ý cách mình thể hiện trên những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay trên blog cá nhân. Hãy quan sát những người nổi tiếng như Brian Tracy hay John C. Maxwell làm gì trên Facebook, bạn sẽ thấy phong cách riêng của họ. Mục đích cuối cùng là tạo thiện cảm và ấn tượng với những người xung quanh, làm cho họ phải nhớ đến giá trị của bạn.

5. Giới thiệu thương hiệu
Bạn có giá trị của riêng mình, nhưng bạn không biết cách lan tỏa giá trị của mình, thì mức độ nhận biết thương hiệu bạn sẽ thấp. Một thương hiệu ít người biết đến thì giá trị thương hiệu sẽ thấp. Hãy nhớ rằng, giá trị thương hiệu của bạn càng cao, con đường sự nghiệp của bạn càng thuận lợi.

Vậy phải làm thế nào để giới thiệu thương-hiệu-bạn đến nhiều người?
- Chủ động mở rộng phạm vi công việc của chính mình
- Chủ động đưa ra những ý kiến hay kế hoạch đem lại những lợi ích cho công ty
- Tăng giá trị bản thân bằng cách đem đến giá trị cho những người xung quanh
- Tích cực tham gia những hoạt động hướng đến cộng đồng mà bạn đang nhắm đến
- Xây dựng một kênh truyền thông riêng cho mình như Facebook, Twitter hay blog và dùng nó để lan tỏa giá trị bạn có thể đóng góp cho cộng đồng

Và một điều mà tất cả những ai từng nghiên cứu về thương hiệu cá nhân đều khẳng định: đó là thương hiệu cá nhân góp phần rất quan trọng cho thành công trong sự nghiệp của bạn. Và chỉ những ai biết chấp nhận thử thách, dám biến công việc của mình trở nên đặc biệt sẽ là những người xây dựng thương hiệu cá nhân thành công.

VietnamWorks

“Filler Words” – rào cản của sự chuyên nghiệp

Gần đây, tôi được mời tham dự một buổi thảo luận với 3 diễn giả. Trong đó có một nữ diễn giả trẻ nói chuyện rất cuốn hút, nhưng cô ấy sử dụng “filler words” quá nhiều… Chỉ trong 2 phút nói chuyện, cô ấy đã dùng đến 10 “filler words”, nhiều nhất là “um”.

Sau buổi thảo luận, tôi quay sang hỏi những người kế bên liệu họ có nhận thấy cô này dùng quá nhiều từ “um” hay không. Họ trả lời “Nhận thấy à? Thậm chí tôi còn không thể tập trung nghe nổi một từ cô ấy nói, chỉ nghe toàn từ “um” “.

Vậy “Filler words” là gì? Một cách vô ý, khi nói chúng ta thường sử dụng những từ như “um”, “ahh”, “so”, “like” hay “you know” (khi ta nói tiếng Anh), những từ dùng để lấp khoảng thời gian tạm ngừng trong khi đang diễn thuyết. Việc sử dụng những từ này quá nhiều sẽ làm giảm uy tín của một diễn giả, hoặc đánh mất cơ hội của bạn trong buổi phỏng vấn.

Khi diễn thuyết, chúng tôi khuyến khích các diễn giả cố gắng dùng dưới 2 từ đệm trong mỗi 2 phút.
Trong buổi phỏng vấn, có thể bạn sẽ được hỏi những câu mà bạn chưa kịp chuẩn bị câu trả lời, tuy nhiên, kiểu trả lời ậm ờ với những từ đệm như “um”, hay tệ hơn là “like”, “you know”… sẽ có thể là rào cản giữa bạn và cơ hội việc làm này.

Những từ đệm chẳng những không làm nổi bật thông điệp bạn muốn nói mà còn khiến bạn trông có vẻ nhút nhát hơn. Vì khi bạn sử dụng chúng quá nhiều, người đối diện sẽ nhận thấy bạn dường như không tự tin về bản thân và không chắc chắn về câu trả lời của chính mình.

Bạn muốn nhà tuyển dụng đánh giá bạn là một chuyên gia xử lý vấn đề đầy tự tin? Sau đây là 3 bước để tối giản những từ đệm. Sẽ rất hiệu quả nếu bạn thực hành chúng một cách thường xuyên.
1. Nhận ra thói quen của bản thân: Để có thể điều chỉnh thói quen này, trước hết, bạn cần nhận thức được nó. Ghi âm và nghe lại đoạn hội thoại của bạn, đếm tất cả những từ đệm mà bạn đã dùng, nếu lặp lại quá 2 lần trong mỗi 2 phút, bạn cần bắt tay vào chỉnh sửa ngay.
2. Dự đoán khi nào bạn sẽ dùng từ đệm: Một khi đã nhận thức được thói quen này, bạn sẽ phát hiện ra khi nào bạn sắp sửa sử dụng những từ đệm trong lúc diễn thuyết.
3. Tạm dừng: Khi biết bản thân sắp “phát ra“ từ đệm, hãy dừng một chút. Chúng ta gọi đó là “chiến lược tạm dừng”. Việc này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ điều bạn muốn nói, sau đó, hãy tiếp tục nói mà không thêm vào bất kỳ từ đệm nào. “Chiến lược tạm dừng” không chỉ giúp bạn có thêm thời gian suy nghĩ, mà còn tạo thêm sức ảnh hưởng cho lời nói của bạn. Bạn sẽ gây ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng khi tránh được việc lấp khoảng thời gian chết bằng những câu từ dư thừa, không phù hợp.

Hãy thực hành 3 bước này mỗi ngày cho đến khi những từ đệm không còn xuất hiện trong bài diễn thuyết của bạn nữa. Loại bỏ những từ đệm sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả cho bài phát biểu và tính chuyên nghiệp trong các cuộc phỏng vấn.

Theo Internation