Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

10 nguyên tắc cuộc đời


1. Bạn được cuộc đời trao tặng một cơ thể
Dù bạn yêu hay ghét cơ thể mình, nó vẫn sẽ là của bạn đến suốt cuộc đời.

2. Bạn sẽ được trao tặng những bài học quý giá
Phần lớn thời gian bạn sẽ theo học ở một ngôi trường không có nhiều quy tắc gọi là Cuộc Đời. Mỗi ngày ở trường học ấy, bạn sẽ được học những bài học khác nhau. Có thể bạn thích chúng, hay sẽ xem chúng là những bài học vô bổ và buồn tẻ.

3. Không hề có lỗi lầm, tất cả là những bài học
Trưởng thành là kết quả của quá trình trải nghiệm những thử thách và sai lầm. "Thất bại" sẽ là một phần quan trọng trong quá trình đó quyết định sự trưởng thành của bạn.

4. Nếu bạn chưa nhận ra, bài học sẽ lặp lại
Một bài học sẽ đến với bạn dưới nhiều cách thức tiếp cận khác nhau đến khi bạn thấu hiểu được. Khi ấy, bạn sẽ tiếp tục chuyển sang bài học tiếp theo.

5. Không có giới hạn của sự học hỏi
Mọi nẻo đường của cuộc sống đều ẩn chứa những bài học rất riêng. Nếu bạn còn hiện hữu trên cuộc đời này, bạn cần phải học hỏi liên tục.

6. Hãy bằng lòng với những điều bạn đang có
Khi những điều bạn mong muốn đã trở thành sự thật, bạn sẽ tiếp tục mong muốn một điều khác mà đối với bạn, nó hấp dẫn hơn cả thứ bạn đang có.

7. Những người xung quanh chỉ là tấm gương phản chiếu chính bạn
Bạn không thể yêu hay ghét điều gì đó ở một người khác trừ khi điều đó phản ánh điều mà bạn yêu, ghét ở chính bản thân mình.

8. Bạn là người quyết định cuộc sống của mình
Bạn có sẵn mọi công cụ cũng như mọi nguồn lực mà bạn cần. Bạn có đủ quyền năng để quyết định cách sử dụng chúng. Quyền lựa chọn là ở chính bạn.

9. Câu trả lời về cuộc đời luôn nằm trong chính bản thân bạn
Tất cả những điều bạn cần làm là ngắm nhìn, lắng nghe và tin tưởng.

10. Ngay từ khi mới sinh ra, bạn sẽ quên tất cả những điều cần phải nhớ
Nếu bạn muốn, bạn vẫn có thể nhớ bằng cách lắng nghe sự hiểu biết từ bên trong.

- Chérie Carter-Scott

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Hiệu quả hơn để thành công hơn

Brian Tracy, bậc thầy về nghệ thuật quản lý thời gian, nói rằng “chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm mọi việc mình muốn, nhưng chúng ta luôn có đủ thời gian để làm những việc quan trọng nhất! Khả năng tập trung vào những việc quan trọng nhất, và hoàn thành những việc đó với kết quả tốt nhất chính là chìa khóa đem lại thành công.”

Vậy làm thế nào để có thể tập trung vào những việc quan trọng nhất? Và làm thế nào để chúng ta trở nên hiệu quả hơn?

Hãy áp dụng nguyên tắc 80/20 mà Brian Tracy đã chia sẻ trong “Eat That Frog”.

Nguyên tắc 80/20 trong quản lý thời gian
80% kết quả của bạn sẽ đến từ 20% công việc bạn làm. Có nghĩa nếu bạn có danh sách 10 việc cần làm, chỉ 2 việc trong số đó đem lại cho bạn nhiều giá trị hơn toàn bộ 8 việc còn lại. Brian Tracy so sánh 20% công việc đem lại giá trị cao nhất là những ‘con ếch’ xấu xí nhất, khủng khiếp nhất. Khi nhìn nó, bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm và không hề muốn ‘thưởng thức’. Thực tế là những công việc mà chúng ta thường né tránh vì phức tạp hay khó khăn chính là những việc quan trọng và giá trị nhất.

Từ bây giờ, hãy tìm và ‘ăn’ những ‘con ếch’ xấu xí nhất nếu bạn muốn thành công.

20% ‘con ếch’ xấu xí nhất
Trước hết, bạn cần xác định mục tiêu của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu của hôm nay, tuần này, tháng này, năm này là gì?

“Trong hôm nay, tôi phải hoàn thành báo cáo doanh thu theo sản phẩm của tháng 10”.
“Mục tiêu của tôi là tăng thêm 5 khách hàng mới trong tháng này”.

Khi đã xác định rõ mục tiêu, bạn lập ra danh sách những việc mình cần làm trong ngày, tuần, tháng và năm. Trong danh sách này, hãy phân tích, chọn ra những việc giúp bạn đạt được mục tiêu và đánh thứ tự ưu tiên. Nhờ những thứ tự ưu tiên này, bạn sẽ biết đâu là 20% ‘con ếch’ xấu nhất cần phải ‘ăn’. Bạn cần phải rà soát danh sách những-việc-cần-làm thường xuyên để nhắc nhở mình những việc quan trọng và tập trung thực hiện cho đến khi hoàn thành. Bạn cần kiên nhẫn vì những việc quan trọng nhất, đem lại giá trị cao nhất là những việc khó khăn nhất.

Nếu bạn đang cần gọi điện cho 5 khách hàng quan trọng, đừng kiểm tra email; vì khi kiểm tra email, bạn dễ dàng bị lôi cuốn từ email này qua email khác, và sau khoảng 1 tiếng đồng hồ “la cà”, bạn quên mất mình cần gọi điện thoại cho 5 khách hàng đã định. Vậy kết quả là hoặc bạn sẽ gọi cho 3 người thay vì 5 người; hoặc bạn vẫn gọi cho 5 người nhưng sẽ phải bỏ qua một công việc quan trọng khác.

Nhìn trước kết quả
Đa số chúng ta có thói quen bắt tay vào công việc mà không cân nhắc kỹ lưỡng. Việc gì đến trước làm trước. Việc dễ làm trước, việc khó làm sau. Đơn giản vì việc dễ thì dễ làm. Hơn nữa, với suy nghĩ, việc gì cũng cần phải làm, chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy “bận rộn nhưng không hiệu quả”.

Nếu bạn là nhân viên kinh doanh, việc gọi điện cho khách hàng A đang than phiền và cần hỗ trợ quan trọng hơn hay việc thảo một email chúc mừng sinh nhật khách hàng B? Dĩ nhiên viết email chúc mừng sinh nhật dễ hơn nhiều. Nhưng trong thời điểm này, nếu vấn đề của khách hàng A không được giải quyết, bạn có nguy cơ mất luôn khách hàng này, và hình ảnh “thiếu chuyên nghiệp” của bạn và công ty bạn trong mắt họ có khả năng lan tỏa đến hơn 40 khách hàng khác trong network của họ. Hãy cân nhắc thật cẩn thận.

Khi cân nhắc cẩn thận kết quả/ hậu quả khi làm hay không làm một công việc nào đó, bạn sẽ biết công việc nào sẽ đem lại 80% giá trị cho mục tiêu mình đặt ra. Nhờ nhìn thấy được kết quả, bạn cũng sẽ biết những việc mình không cần làm.

Khi tôi áp dụng nguyên tắc 80/20, lịch làm việc được sắp xếp khoa học hơn, rõ ràng hơn và hiệu quả hơn. Và tôi thấy mình ‘có thêm nhiều thời gian hơn’ để có thể ‘ăn’ nhiều ‘con ếch’ xấu xí hơn, từ đó có thể hoàn thành những việc đem lại nhiều giá trị hơn. Khi bạn tạo ra nhiều giá trị, giá trị của chính bạn sẽ tăng lên.

Luôn đặt ra cho mình câu hỏi “Việc quan trọng nhất mình cần phải làm lúc này là gì?” Tập trung vào việc đó cho đến khi hoàn thành. Cân nhắc để thực hiện những việc đem lại nhiều giá trị và biết từ chối những công việc không mang lại giá trị. Nếu thực hiện thường xuyên, bạn sẽ thấy những thay đổi tích cực.

“Con ếch” xấu xí nhất của bạn là gì? Bạn đã “ăn” nó như thế nào?

Hà Huệ Chi
Director of Marketing & Operations
VietnamWorks

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Tại sao chúng ta sống?

SỐNG -- Có lẽ đó là điều mà nhiều người quan tâm nhất vì nói cho cùng thì đó là điểm chung lớn nhất của con người chúng ta. Nhưng đối với mỗi người, SỐNG có một ý nghĩa khác nhau. Và mỗi người cũng có những mối quan tâm khác nhau về cuộc sống. Tuy nhiên, đa phần những mối quan tâm đó có thể được xếp vào hai loại chính:

- Loại “Thế Nào?” với những câu hỏi như là: “Tôi nên sống như thế nào?”, “Tôi phải làm thế nào để hạnh phúc hơn?”, “Tôi phải làm thế nào để thành công hơn?”,…

- Loại “Điều Gì?” với những câu hỏi như là: “Tôi muốn điều gì trong cuộc sống này?”, “Tôi cần điều gì trong cuộc sống?”, “Tôi phải có những điều gì?”, “Tôi phải hy sinh những điều gì?”, “Tôi phải làm được những điều gì?”,…

Và rồi, chúng ta cứ mãi đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi đó trong cả cuộc đời. Tôi cũng đã từng như thế, bởi vì tôi tin rằng mỗi câu hỏi phải được trả lời một cách riêng lẻ. Nhưng rồi đến một ngày, tôi bất chợt nhận ra một điều rằng, có một câu hỏi mà nếu tôi tìm ra được câu trả lời, thì việc tìm câu trả lời cho những câu hỏi khác không còn quá khó khăn nữa.

Câu hỏi ấy chính là: “Tại sao tôi sống dù biết rằng rốt cuộc mình cũng sẽ rời bỏ cuộc đời này?”

Đối với tôi, câu trả lời là: “Tôi sống để tạo nên những khác biệt tích cực cho bản thân tôi, cho gia đình, cho bạn bè và cho xã hội.”

Với câu trả lời ấy, tôi sống từng ngày biết rằng tại sao mình sống, biết rằng mình đang đi đâu về đâu, biết rằng cuộc sống của tôi thật sự là một hành trình cho dù hành trình ấy có cùng điểm xuất phát và điểm đến, và biết rằng ngày tôi rời khỏi cuộc đời này tôi sẽ có thể mỉm cười vì những khác biệt tích cực mình đã tạo ra cho dù là nhỏ nhoi đi nữa.

Còn bạn thì sao? Đã có bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao tôi sống?”, và bắt đầu tìm kiếm cho mình câu trả lời? Cho dù sao đi nữa, bạn chỉ cần đơn giản nhớ một điều rằng, chỉ có mình bạn có thể tìm thấy câu trả lời bởi vì câu trả lời ấy là câu trả lời cho chính cuộc đời của bạn chứ không phải ai khác.

Trần Đăng Khoa

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

TỪ QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ ĐẠT THÀNH CÔNG THÀNH CÔNG ĐỈNH CAO

Hầu hết những nhà vô địch thể thao, những nghệ sĩ tài danh, những người thành đạt khi được hỏi đâu là bí quyết của thành công, họ đều trả lời bằng công thức: đam mê cùng rèn luyện. Một số người lập luận rằng, đam mê là điều quan trọng nhất vì khi có đam mê chúng ta mới dành thời gian rèn luyện, mới dám lăn mình và xả thân vào điều ta khao khát. Nhưng theo tôi, chính việc nỗ lực rèn luyện, dám đối mặt và vượt qua mọi khó khăn để sống với điều mình mong muốn mới là thước đo của lòng đam mê đích thực.

Đôi khi chúng ta không đủ tỉnh trí để phân biệt đâu là thích, đâu là đam mê. Không ít những người trẻ khi nhìn thấy hào quang của ca sĩ trên sân khấu, của nghệ sĩ trên sàn diễn hay của các ngôi sao trên màn bạc đã vội tuyên bố: tôi đam mê làm nghệ sĩ. Hoặc trong nghề nghiệp của tôi, cũng có khá nhiều bạn trẻ chỉ nhìn thấy sự ngưỡng mộ của khán giả dành cho tôi rồi tuyên bố: tôi đam mê diễn thuyết mà không biết rằng đằng sau đó là cả một quá trình rèn luyện và mài dũa không ngừng. Đôi khi những phần thưởng mà nghề nghiệp mang lại như tiền bạc, địa vị, sự ngưỡng mộ, sự tôn trọng cũng dễ khiến ta lầm tưởng là ta đam mê công việc đó. Kỳ thực, chỉ khi bạn sẵn sàng rèn luyện bất kể nắng mưa gió bão, bất kể nhọc nhằn, bất kể thành công chưa đến, khi đó bạn mới thật sự có đam mê vì bạn hết lòng khao khát đạt được thành quả cuối cùng.

Những người thành công trong mọi lĩnh vực đều ý thức sự cần thiết của việc rèn luyện. Họ không bao giờ phàn nàn, không bao giờ tự mãn, không bao giờ ngừng vươn lên. Họ luôn mài bén kỹ năng, đặt ra những mục tiêu ngày càng cao hơn, và miệt mài rèn luyện từ ngày này qua ngày khác. Chính lòng đam mê không cho phép họ hài lòng với những chuẩn mực thấp trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. Vậy phải chăng đam mê là mồi lửa và rèn luyện chính là nhiên liệu thắp sáng thành công!

Diễn giả Quách Tuấn Khanh

Nhiều lúc bạn phải tỉnh táo để nhận ra: bạn đang đam mê những phần thưởng do công việc mang lại hay bạn thật sự đam mê chính công việc.